Quán chiếu cảm thọ - Điều phuc tâm ý



Quán chiếu cảm thọ (hơi thở thứ bảy và tám)
Các hơi thở thứ bảy và tám cũng nhắm tới sự quán chiếu về cảm thọ. Cảm thọ tức là cảm giác. Không phải chỉ là những cảm giác an lạc mà cả những cảm giác không an lạc nữa. 
Những cảm giác như bực bội, giận hờn, bất an, lo âu, mệt mỏi, chán nản v.v… đều là những cảm giác không an lạc. Khi một cảm giác như thế có mặt, thiền giả nhận diện nó, ý thức được sự có mặt của nó, nói một cách khác hơn là thắp lên một mặt trời chánh niệm để soi sáng nó. Đó là công trình quán chiếu. Pháp Thiền quán của đạo Bụt được thiết lập trên cơ bản bất nhị, vì vậy hành giả không xem sự bực bội là một kẻ thù từ bên ngoài đột nhập vào mà trái lại còn ý thức được rằng trong giờ phút hiện tại mình chính là sự bực bội nữa. 
Do nhận thức đó, thiền giả không còn có ý chống đối xô đuổi và đánh phá sự bực bội. Thực tập thiền quán không phải là thiết lập một ranh giới giữa thiện và ác trong bản thân mình và biến bản thân mình thành một bãi chiến trường. Đạo Bụt kỵ nhất là việc ấy. Thiền giả đối xử với sự bực bội mình một cách từ bi và bất bạo động. Thiền giả đối phó với sự bực bội của mình bằng một tấm lòng lân mẫn như là đối phó với chính người em ruột của mình. Thắp sáng ý thức chánh niệm lên duy trì ý thức ấy cùng với hơi thở ra và hơi thở vào. Dưới ánh sáng của sự quán chiếu, niềm bực bội sẽ dần biến chất. Biến chất chứ không phải tiêu tán. Mỗi cảm giác là một vùng năng lượng. Cảm giác an lạc là thứ năng lượng có thể nuôi dưỡng. Cảm giác bất an là thứ năng lượng có thể tàn hại. Dưới ánh sáng của quán niệm, năng lượng bất an có thể biến thành năng lượng nuôi dưỡng.

Cảm giác (thọ) có nguồn gốc hoặc từ thân thể (sắc) hoặc từ tri giác (tưởng). Khi ta thiếu ngủ ta có thể có cảm giác mệt mỏi hoặc cáu kỉnh, và như vậy cảm giác có nguồn gốc từ thân thể. Khi ta có tri giác sai lạc về người hoặc về sự việc thì ta có thể có cảm giác tức giận, chán nản hoặc bực bội:cảm giác ở đây có nguồn gốc ở tri giác. Theo đạo Bụt, tri giác của ta rất dễ bị lầm lạc, vì vậy cho nên ta bị khổ sở nhiều. Thiền quán là nhìn sâu vào sự vật để thấy được chân tướng của sự vật và để vượt thoát những tri giác lầm lạc ấy. Nhận lầm sợi dây là con rắn, ta hoảng sợ la lên. Hoảng sợ là một cảm giác. Nhận lầm sợi dây là con rắn là một tri giác sai lạc.Sinh hoạt có điều độ, giữ gìn cho cơ thể lành mạnh, ta có thể giảm thiểu những cảm giác khổ đau có nguồn gốc sinh lý. Quán sát vạn vật cho sâu sắc: mở rộng tầm hiểu biết và thương yêu, ta có thể giảm thiểu được phẩm và lượng của những cảm giác khổ đau có nguồn gốc tri giác. Quán chiếu một cảm giác tức là nhận biết được những nguyên do xa gần đã làm phát sinh cảm giác ấy. Đi  sâu vào sự nhận biết ấy tức là khám phá được tự tính (bản chất) của cảm giác.Khi có một cảm giác như bực tức, lo sợ v.v…hành giả ý thức được sự có mặt của cảm giác này và nuôi dưỡng ý thức ấy bằng hơi thở. Duy trì hơi thở ý thức, hành giả kiên trì nhìn sâu vào bản chất của cảm giác. Hễ thấy được thì có giải thoát. 

Hơi thở thứ bảy nói về hoạt động tâm ý: “Ta thở vào (thở ra) và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta”. Hoạt động tâm ý ở đây là sự phát sinh, tồn tại và biến chất của các cảm giác vậy.Hơi thở thứ tám nhắm đến sự biến cải năng lượng của cảm giác. “Ta đang thở vào (thở ra) và làm cho những hoạt động tâm ý của ta an tịnh”. Nhờ sự quán chiếu về bản chất của cảm giác mà thiền giả biến cải được năng lượng không an lạc của một cảm giác thành năng lượng an lạc. Khi ta hiểu được một người thì ta có thể chấp nhận và thương yêu người đó. Mà đã chấp nhận thì ta không còn trách móc và có cảm giác bực bội với người ấy như trước. Năng lượng của cảm giác bực bội trong trường hợp này, có thể được biến thành năng lượng thương yêu.

Điều phục tâm ý và giải thoát cho tâm ý
Hơi thở thứ chín là hơi thở nhận diện những hoạt động tâm ý ngoài cảm giác. “Ta đang thở vào (thở ra) và có ý thức về tâm ý ta”. Tâm ý (citta) ở đây là tổng thể mọi hiện tượng tâm lý trong đó có tri giác,tư tưởng, suy luận, phân biệt, tưởng tượng và cả tiềm thức nữa.
Bất cứ một hiện tượng tâm lý nào phát  khởi trong ta, ta phải nhận diện nó bằng hơi thở có ý thức. Ta lại còn quán chiếu hiện tượng tâm lý ấy để thấy liên hệ giữa nó với toàn bộ tâm ý ta. Với bốn hơi thở đầu ta có thể đồng nhất ta với hơi thở và cắt đứt mọi suy tư phân biệt và tưởng tượng. Hơi thở thứ chín này là để nhận diện các hiện tượng tâm ý như suy tư và tưởng tượng khi chúng ta phát khởi. Ta đừng nên quên rằng danh từ tâm (citta) là để chỉ cho mọi hiện tượng tâm lý như cảm giác, tri giác, suy luận v.v… với tất cả đối tượng của chúng chứ không phải là để chỉ một chủ thể tâm lý có tính cách bất biến và đồng nhất có thể tồn tại ngoài đối tượng nhận thức.Tâm là một dòng hiện tượng tâm lý luôn luôn chuyển biến sinh diệt, trong ấy sự phát sinh tồn tại và hoại diệt của một hiện tượng có liên quan đến sự phát sinh, tồn tại và hoại diệt của mọi hiện tượng khác. Biết nhận diện những hiện tượng tâm lý đang phát khởi là một công trình thực tập quan trọng. Những hoạt động của tâm ý ta thường thường là lăng xăng và náo động không khác gì một dòng thác đang chảy qua các khe đá: tâm thường được vì như một con vượn không ngừng chuyền cành này sang cành khác hay một con ngựa đang phi. Thấy được sự vận hành của tâm ý nhờ công trình nhận diện rồi, ta có thể nhiếp thu tâm ý và làm cho tâm ý ta lắng lại và cảm thấy an lạc trong trạng thái tâm ý lắng đọng này. 
“Ta đang thở vào (thở ra) và làm cho tâm ý ta an lạc”. 
Hơi thở thứ tư nhắm đến sự an tịnh của thân thể. 
Hơi thở thứ tám nhắm đến sự an tĩnh của cảm giác. 
Hơi thở thứ mười này nhắm đến sự an tịnh của tâm ý. 
Ba hơi thở này có công dụng đưa ta vào hoan hỷ địa tức là trạng thái vui mừng an lạc của thiền định. Trạng thái này đem lại cho hành giả nhiều thư thái và an lạc và nuôi dưỡng được định lực của hành giả, nhưng hành giả sẽ không ngừng lại tại đây mà phải tiến tới quán chiếu để đạt tới tuệ giác, bởi vì chỉ có tuệ giác mới thực sự đưa ta tới giải thoát.

Hơi thở thứ mười một nhắm đến sự tập trung ý vào một tượng duy nhất. 
Chỉ khi nào ta tập trung tâm ý bền bỉ trên đối tượng ta mới có thể quán chiếu được đói tượng ấy một cách hiện hữu. Đối tượng ấy có thể là hơi thở,là một hiện tượng sinh lý, một hiện tượng tâm lý (như cảm giác, tri giác, v.v…) hay một hiện tượng vật lý (như một chiếc lá hay một viên đá cuội). Các hiện tượng vật lý này cũng đều được kinh liệt vào hàng đối tượng của tâm ý, không tồn tại độp lập với tâm ý. Đối tượng của tâm lý trong định là một vùng đối tượng nằm dưới ánh sáng quán chiếu của tâm ý, cũng như một ca sĩ đứng trong một vùng ánh sáng tròn (spotlight) trên sân khấu vậy. Đối tượng này có thể di chuyển trên không gian và thời gian, bởi vì nó cũng sinh động như tâm ý quán chiếu. Trong định, chủ thể quán chiếu và đối tượng quán chiếu trở nên nhất như. Hơi thở cũng là một đối tượng của tâm lý trong định. Khi ta để hết tâm lý vào hơi thở, tâm ta chỉ theo dõi hơi thở, tâm ta với hơi là một, đó là định. Định là ngừng tụ tâm ý trên một đối tượng duy nhất. Sau khi thực tập với hơi thở, bạn có thể thực tập với những hiện tượng sinh lý, vật lý và tâm lý khác. Có định thì công phu quán chiếu mới thành công.

Hơi thở thứ mười hai nhằm tháo gỡ cho những chổ kẹt của tâm lý: 
“Ta đang thở vào (thở ra) và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do”. 
Tâm ý của ta có thể đang bị ràng buộc bởi những đau thương hoặc những kỷ niệm về quá khứ, hoặc đang bị lôi kéo bởi những lo lắng và dự tính về tương lai, hoặc đang nằm dưới ảnh hưởng của những cảm giác bực tức, sợ hãi hay nghi ngờ của hiện tượng hoặc đang bị rối ren mờ mịt vì một tri giác thiếu sót… Có định, ta mới có khả năng quán chiếu và cởi mở những chổ kẹt đó do tâm ý ta. Cũng như khi ta muốn gỡ một nùi chỉ rối, ta phải có đủ thư thái và thì giờ. Quán chiếu tâm ý cho bình tĩnh và cho sâu sắc ta mới gỡ rối được cho tâm ý.

Nhận xét