Ở HIỀN gặp LÀNH


Câu "Ở hiền gặp lành" thường được hiểu rất "bấp bênh". Cái "bấp bênh" giữa thực tại và nhận thức về "hiền" và "lành". Hầu hết đều tin hay đặt niềm tin vào câu này vì nó phản ảnh cái ước muốn về sự công bằng. Ở đời Ai ở hiền mà không muốn gặp lành? 

Cái "gặp lành" đây còn là mong đợi cho kết quả hay phần thưởng mà người "ở hiền" nghĩ là tất nhiên mình sẽ gặt. Hay tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn nếu ta biết sống hiền. Trong cái suy tư này đôi khi cũng ngầm cái ý "ở ác gặp dữ", một phần cũng là tự răn đe bản thân, một phần cũng muốn trừng trị kẻ ác.

Nhưng thực tế thì không phải lúc nào cũng giống như những gì ta nhận thức. Đây là tiến trình của sự vận hành nhân quả. Nên thực tại về "hiền" và "lành" đối với luật nhân quả thường thì rất khác với "hiền" và "lành" theo những nhận thức thông thường, hạn hẹp, chia cắt của ta. 

Rồi quan niệm của ta còn được xây dựng từ nhận thức của xã hội, đạo đức, văn hoá cộng đồng và sự riêng biệt khác nhau của từng các thể trong từng hoàn cảnh. 

“Tốt, lành” có thể coi là hành vi có ý thức, yêu thương và khôn ngoan, trong khi “Ác, dữ” có thể được coi là hành vi vị kỷ, sợ hãi và vô ý thức. Những “khái niệm” này hoạt động như những phép ẩn dụ, thi thiết cho sự nhận thức và phát triển cá nhân và cộng đồng, như những thước đo cho chất lượng cuộc sống đang được thu hút và đồng thuận. Khi đạo đức và tuệ giác còn khác nhau thì đạo đức của một người có thể mâu thuẫn với đạo đức của người khác.

Vậy cái "bấp bênh" của câu nói "ở hiền gặp lành" chính là: Những điều mà ta nhận thức là "hiền" và "lành" thường không tương ứng với "hiền" và "lành" đối với thực tại luật nhân quả. 

Hiền "gặp" lành là tiến trình duyên sinh, vô ngã trong những chiều kích của không gian và thời gian khác nhau. Như khi nói "gặp" ta thường nghĩ là sẽ gặp, những có thể là đã gặp, chính hành động ta đang tạo tác mà ta nghĩ là nhân thật ra nó cũng chính là quả vậy.

Hiền, ác, lành, dữ ví như những thế lực có sức mạnh và những chiều hướng khác nhau. Chúng tương bổ và tương khắc. Một sức lực của hành động thiện có thể sẽ đối đầu với một hay nhiều sức lực của thiện hoặc ác cùng hay trái chiều khác, mạng lưới trùng trùng nhân quả này vô cùng huyền diệu mà với cái tâm phán xét phân biệt và hạn hẹp ít có kẻ tận tường.

Không thấy được cái nhất nguyên của Đạo nên mới than trách trời đất là bất nhân "xem vạn vật như chó rơm". Không thấy được cái nhiệm mầu siêu việt của Thiên chúa nên mới hỏi rằng sao Thượng đế nhân từ mà lại để hoạn nạn, thiên tai và bệnh dịch xảy ra. Không dung thông được Sắc - Không nên mới bảo đời là bể khổ.

🌼

Nhận xét